Một lần, tôi đưa mẹ từ quê lên thăm một người họ hàng sống ở thành phố. Nhà anh chị có hai đứa con, một cháu chuẩn bị vào lớp một và một cháu gần 3 tuổi. Điều khiến tôi ngạc nhiên là tại sao nhà có trẻ con mà vẫn rất ngăn nắp, gọn gàng, hơn nữa những đứa trẻ cũng không chạy nhảy nghịch ngợm gì mà cứ ngồi yên như không.
Tôi tò mò hỏi làm cách nào mà chị có thể dạy con “ngoan” như thế thì anh chị nói cứ để cho chúng nó coi tivi, ngồi mải miết từ phim hoạt hình này tới phim hoạt hình khác, chúng nó không thiết nghịch gì bên ngoài. Hoặc nếu không thì cho chúng nó xài smartphone, trên đó cái gì cũng có, từ trò chơi điện tử cho đến phim hoạt hình. Anh chị đi làm kiếm tiền đã rất mệt rồi, chẳng còn hơi sức đâu mà chơi với lũ trẻ nữa, nên đành nhờ tivi và điện thoại “trông con” giùm.
Tôi nghe thấy mà buồn. Vậy nếu như không có trò chơi điện tử, phim hoạt hình, không có tivi, điện thoại,…thì bọn trẻ con ở thành phố lớn lên bằng cách nào? Ngẫm lại mới thấy trẻ con nông thôn hóa ra lại sung sướng hơn nhiều. Ít nhất chúng còn có tuổi thơ đúng nghĩa trong lành và ấm áp. Chúng được bầu bạn với người mẹ thiên nhiên rộng lớn, còn được bên cạnh ông bà bố mẹ, để cùng nhổ cỏ, chăn trâu, cùng chăn gà, tuốt đậu…
Cho dù điều kiện sống ở nông thôn nghèo nàn và thiếu thốn, thi thoảng còn bị ăn đòn vì tội mải chơi nhưng những đứa trẻ lấm lem đất cát ở các vùng quê nghèo hẳn vẫn ấm áp hơn những đứa trẻ bị bỏ rơi cho ti vi, điện thoại và ipad coi giùm – bí bách như dế nhốt bao diêm, trong những nhà ống hay những chung cư ở thành phố.
Có một “Thế hệ bị bỏ rơi” trong chính ngôi nhà của mình
Gần đây, trên các kênh truyền thông xuất hiện rất nhiều những vụ án mà trẻ con hoặc là nạn nhân hoặc là thủ phạm. Tôi quan sát những đứa trẻ ấy và nhận ra điểm chung là: các em đều bị bỏ rơi ngay trong chính ngôi nhà của mình. Bố mẹ bỏ nhau, bồ bịch đánh lộn, hoặc có đứa trẻ thì bố mẹ ham làm ăn chỉ vứt cho con nắm tiền rồi đi tối ngày, đứa thì bố mẹ phải lần hồi kiếm rau cháo nên cũng thả cho con tự sống như cây cỏ…. Muôn vàn muôn kiểu lý do để người ta bỏ rơi con.
Những đứa trẻ tội nghiệp thiếu tình cha mẹ, tuổi thơ của chúng lạnh lẽo vắng những ôm ấp ngọt ngào, chúng loay hoay tự lớn, tự sa ngã và tự rơi vào những cạm bẫy của cuộc đời. Đứa khí chất mạnh mẽ (hoặc hung hãn) dễ thành thủ phạm, đứa yếu đuối ngốc nghếch không biết đường tự vệ đương nhiên thành nạn nhân. Nhưng dù trở thành gì chăng nữa, chúng cũng đều là những nạn nhân bị chính cha mẹ của mình “bỏ rơi”.
Nhìn những người mẹ người cha rơm rớm nước mắt nói trong ân hận: rằng giá như họ không bỏ rơi con, hoặc giá như con họ được chăm chút và bù đắp thương yêu nhiều hơn…. hẳn ai cũng cảm thấy chua xót. Nhưng những lời “giá như” ấy đâu thể vãn hồi được điều gì, chỉ là một phương cách để người lớn tự dày vò mình trong cơn day dứt muộn màng.
Nhiều nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng, đến 8 tuổi một đứa bé coi như đã hoàn thiện 80% tâm lý – nhân cách – quan điểm sống cơ bản. Nghĩa là, 8 năm đầu đời ấy sẽ gần như quyết định Con Chúng Ta Là Ai. Nếu bạn thiếu tiền, bạn có thể kiếm sau; nếu bạn chưa mua đủ quần áo đẹp cho con, bạn có thể mua sau. Nhưng nếu bạn không dành đủ thời gian cho con, không thể hiện tình yêu của mình với con, hay phó thác con cho ông bà hoặc người giúp việc chăm nuôi – thì bạn sẽ không có phép màu nào có thể quay lại để bù đắp và cứu vãn sai lầm đã bỏ rơi con mình. Hãy đừng thức tỉnh quá muộn màng, hãy đừng để tuổi thơ của con tan vỡ, hãy đừng cướp đi sự hồn nhiên, thơ ngây và thuần khiết của những đứa trẻ, dù là với bất kỳ lý do nào.